Ngộ độc rượu là hậu quả nghiêm trọng, có thể gây tử vong do uống phải một lượng rượu lớn trong khoảng thời gian ngắn. Sử dụng quá nhiều rượu sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp thở, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Ngộ độc rượu là gì?
Rượu là một dạng ethanol (cồn ethyl) được tìm thấy trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, một số loại thuốc và một số sản phẩm gia dụng. Rượu mang lại cho người uống cảm giác hưng phấn, gây giảm khả năng ức chế, rối loạn hành vi. Khi uống rượu, con người sẽ giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt, đồng thời gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Lúc này gan không kịp đào thải ra ngoài sẽ tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.
Nguyên nhân ngộ độc rượu
Nguyên nhân chính gây ngộ độc rượu do uống quá nhiều trong thời gian ngắn hay lạm dụng liên tiếp trong thời gian dài. Rượu được hấp thu vào máu chủ yếu từ ruột non, một số được hấp thu qua dạ dày. Thời gian rượu hấp thu vào máu nhanh hơn thời gian đào thải rượu ra khỏi cơ thể.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu, bao gồm:
- Kích thước và cân nặng của bạn.
- Sức khỏe tổng thể của bạn.
- Tỷ lệ cồn trong đồ uống của bạn.
- Tỷ lệ và lượng rượu tiêu thụ.
- Mức độ chịu đựng của bạn.
Triệu chứng của ngộ độc rượu
Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc rượu bao gồm:
- Động kinh.
- Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt).
- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.
- Co giật.
- Tê, yếu một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.
- Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều. Thở chậm, thở không đều. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.
- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.
- Đái, đại tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường).
- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.
- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.
Biến chứng nghiêm trọng khi ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nghẹt thở: Rượu có thể gây nôn, bởi vì nó làm giảm phản xạ bịt miệng của bạn, điều này làm tăng nguy cơ nghẹt thở nếu bạn ngất đi.
- Ngừng thở: Vô tình hít phải chất nôn vào phổi của bạn có thể dẫn đến rối loạn hô hấp nguy hiểm hoặc gây tử vong (ngạt thở).
- Mất nước nghiêm trọng: Nôn mửa có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, dẫn đến huyết áp thấp nguy hiểm và nhịp tim nhanh.
- Động kinh: Lượng đường trong máu của bạn có thể giảm đủ thấp để gây co giật.
- Hạ thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể của bạn có thể giảm xuống thấp đến mức dẫn đến ngừng tim.
- Nhịp tim không đều: Ngộ độc rượu có thể khiến tim đập không đều hoặc thậm chí ngừng đập.
- Tổn thương não: Uống nhiều rượu có thể gây tổn thương não không hồi phục.
- Tử vong bất kỳ lúc nào nếu không được xử trí ngộ độc rượu kịp thời.
Cách chẩn đoán ngộ độc rượu
Nếu nghi ngờ ai đó bị ngộ độc rượu hãy kiểm tra các yếu tố: Có uống rượu, uống một mình hay uống với nhiều người, các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc rượu,… hãy đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Chẩn đoán ngộ độc rượu bằng các triệu chứng lâm sàng hoặc kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Có hai cách chính để kiểm tra nồng độ cồn trong máu của một người:
- Đo nồng độ cồn bằng máy kiểm tra hơi thở: Khi uống rượu, ethanol sẽ đi vào máu đến phổi, ở đó ethanol bay hơi ra ngoài theo đường thở. Khi nạn nhân thở vào máy đo sẽ ước tính BAC bằng lượng cồn phát hiện trong hơi thở.
- Xét nghiệm máu: Lấy máu và phân tích BAC trong máu.
Cách điều trị ngộ độc rượu
Khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ cấp cứu sẽ sử dụng phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Người bị ngộ độc rượu có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch: Cung cấp dịch truyền qua đường tĩnh mạch IV để điều trị tình trạng mất nước, hoặc chuyền chất lỏng làm tăng lượng đường trong máu.
- Oxy: Cung cấp oxy bằng ống thông mũi (ống mềm được kẹp vào mũi), hoặc đặt một ống thông nhỏ vào khí quản nếu người bệnh khó thở.
- Bơm rửa dạ dày: Sử dụng ống bơm để làm sạch các chất độc trong dạ dày.
- Lọc máu: Nếu thận bị suy giảm chức năng, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng máy lọc máu để lọc rượu ra khỏi máu.
Phòng chống ngộ độc rượu
Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Ngoài ra, có thể ngăn ngừa ngộ độc rượu bằng các cách sau:
- Không uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
- Không pha rượu: Không nên pha rượu với nước ngọt, hay bất cứ thứ gì.
- Uống lượng rượu phù hợp với tửu lượng cơ thể.
- Giữ đủ nước: Uống nước sau mỗi lần uống rượu.
- Không uống rượu có chứa cồn công nghiệp.
- Không uống rượu bia khi bụng đói hoặc khi có biểu hiện mệt mỏi trước đó.
- Khi có biểu hiện ngộ độc rượu, hãy tìm ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Ngộ độc rượu là tình trạng khẩn cấp, do đó khi phát hiện triệu chứng bất thường hãy liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Điều này giúp bạn và người thân giảm biến chứng nguy hiểm cũng như hạn chế tỷ lệ tử vong. Đừng quên “uống có trách nhiệm” để phòng tránh ngộ độc.
Leave a reply