Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh rối loạn tâm thần, xảy ra với nhiều triệu chứng. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới mãn tính gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Rối loạn lưỡng cực là bệnh gì?
Rối loạn lưỡng cực là một bệnh rối loạn tâm thần được nhận biết bởi những thay đổi tâm trạng thất thường. Người bệnh có thể rơi vào tình trạng quá kích thích, tăng động, nhưng sau đó lại rơi vào trạng thái trầm cảm. Rối loạn lưỡng cực còn được gọi là rối loạn hưng cảm – trầm cảm. Tâm lý bất ổn, tâm trạng lên – xuống bất thường khiến người mắc bệnh sẽ gặp khó khăn làm việc, duy trì mối quan hệ.
Hiểu một cách đơn giản hơn về căn bệnh này chính là sự thay đổi liên tục về trạng thái cảm xúc. Khi thì mệt mỏi, buồn chán, mất đi hứng thú trong cuộc sống cùng mọi hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên, sau đó lại thay đổi chuyển sang dư thừa năng lượng, phấn khích quá mức, cười vui vẻ, nói nhanh không kiểm soát…
Sự thay đổi này được gọi là rối loạn lưỡng cực, bệnh có thể xuất hiện nhiều lần trong ngày, vài lần trong tuần hoặc trong năm tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tỷ lệ chiếm 1% dân số, giữa 2 giới không có sự khác biệt.
Các loại rối loạn lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I
- Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I được xác định khi có đặc điểm những cơn hưng cảm hoặc xen kẽ cơn trầm cảm.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực II
- Những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực II có đặc điểm những cơn trầm cảm xen kẽ hưng cảm nhẹ
Rối loạn lưỡng cực III
Có đặc điểm những cơn trầm cảm tái diễn chuyển sang cơn hưng cảm khi sử dụng thuốc. Ngoài ra tiền sử gia đình có rối loạn lưỡng cực.
- Rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh có đặc điểm xảy ra ít nhất 4 cơn trong vòng một năm.
- Rối loạn lưỡng cực có nét loạn thần: có kèm theo các triệu chứng của loạn thần (ào thanh, ảo thị…
- Rối loạn lưỡng cực với biểu hiện không điển hình (Atypical features) với các triệu chứng ăn nhiều ngủ nhiều, khởi phát bệnh sớm, tuổi trẻ, chậm tâm thần vận động, kèm theo rối loạn tâm lý khác.
Nguyên nhân gây rối loạn lưỡng cực
Nguyên nhân cụ thể của bệnh rối loạn lưỡng cực hiện nay vẫn không rõ, tuy nhiên có một số yếu tố có thể tham gia trong việc gây ra và kích hoạt những cơn lưỡng cực như:
- Sự thay đổi các quá trình sinh học trong cơ thể: ở những bệnh nhân có rối loạn lưỡng cực xuất hiện thì có các sự thay đổi vật lý trong não. Tầm quan trọng của những thay đổi ở não này hiện nay vẫn còn chưa chắc chắn nhưng có thể giúp chỉ điểm nguyên nhân gây ra bệnh.
- Các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể: sự mất cân bằng tự nhiên của những chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bệnh rối loạn lưỡng cực và các rối loạn về tâm trạng khác.
- Các nội tiết tố: mất cân bằng các nội tiết tố có thể tham gia trong việc gây ra rối loạn lưỡng cực.
- Di truyền: bệnh rối loạn lưỡng cực thường gặp hơn ở những người có anh chị em hoặc cha mẹ đã mắc bệnh.
- Môi trường: môi trường sống và làm việc căng thẳng hay trải nghiệm các đau thương đáng kể có thể đóng vai trò quan trọng gây ra rối loạn lưỡng cực.
Những dấu hiệu của bệnh
Bệnh rối loạn lưỡng cực sẽ xảy ra theo chu kỳ. Tâm trạng của người bệnh cũng sẽ thay đổi theo ngày, theo tuần, theo tháng hoặc theo mùa. Các biểu hiện của bệnh bao gồm:
Các dấu hiệu về cảm xúc
- Khi người bệnh ở trạng thái hưng cảm: bệnh nhân cảm thấy phấn khích tột độ, vui vẻ, lạc quan một cách quá độ. Luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng, hạnh phúc, suy nghĩ tích cực…
- Khi ở trạng thái trầm cảm: người bệnh cảm thấy buồn chán, mệt mỏi, hay khóc không rõ lý do, tinh thần trì trệ…
Các dấu hiệu về hành vi
Ở trạng thái rối loạn lưỡng cực hưng cảm:
- Bệnh nhân sẽ ăn uống nhiều hơn
- Hoạt động nhiều hơn để tiêu hao năng lượng
- Khả năng quyết định suy giảm
- Người bệnh có thể nghe thấy giọng nói lạ hoặc nhìn thấy ảo giác
- Cảm xúc hân hoan không phù hợp
- Tăng ham muốn tình dục
Ở trạng thái trầm cảm:
- Người bệnh sẽ ăn ít đi
- Lười vận động
- Không thích giao tiếp với cộng đồng
- Suy nghĩ nhiều về cái chết hoặc muốn tự tử.
Sự nguy hiểm của rối loạn lưỡng cực
Các ý tưởng và hành vi tự sát là rất phổ biến trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đặc biệt là khi bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu và giai đoạn hỗn hợp.
Nguy cơ tự sát ở các bệnh nhân trong giai đoạn trầm cảm hoặc hỗn hợp của rối loạn cảm xúc lưỡng cực chính là triệu chứng bi quan, chán nản, khí sắc giảm, mất hết các hứng thú và sở thích. Bệnh nhân thấy mình sống rất vô nghĩa, cho rằng mình là gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. Từ đó họ có ý nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu họ chết đi.
Nếu bệnh nhân đã có ý định và hành vi tự sát thì ở lần tái phát sau bệnh nhân cũng sẽ có ý định và hành vi tự sát.
Một số vấn đề khác có thể gặp như:
- Ngược đãi trẻ em, vợ (chồng) hoặc các hành vi bạo lực xuất hiện rất phổ biến trong giai đoạn hưng cảm nặng.
- Các vấn đề xã hội khác như trốn học, học kém, thất bại trong nghề nghiệp, li dị hoặc hành vi chống xã hội.
- Chán ăn tâm lý, rối loạn tăng động/khó chú ý, hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội, nghiện rượu, nghiện ma tuý có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực
Có nhiều phương pháp điều trị, trong đó phổ biến nhất là ổn định khí sắc, dùng thuốc chống trầm cảm và tâm lý trị liệu.
Dùng thuốc điều trị
- Thuốc ổn định khí sắc
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc chống trầm cảm
Quá trình điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc bắt buộc phải duy trì trong một thời gian dài. Bác sĩ sẽ cho người bệnh thử nhiều loại thuốc khác nhau trong thời gian đầu để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất, sau đó mới duy trì thuốc.
Việc sử dụng thuốc phải tuyệt đối đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngưng sử dụng hoặc thay đổi liều khi chưa có sự cho phép và phải trung thực trong khai báo bệnh sử.
Tâm lý trị liệu
Phương pháp được thực hiện theo cá nhân hóa người bệnh. Bác sĩ có thể chọn đơn trị liệu hay đa trị liệu dựa trên đặc tính của từng bệnh nhân cụ thể. Từ đó giúp phát huy tối đa hiệu quả chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tâm lý trị liệu phối hợp với điều trị thuốc men và duy trì trong suốt quá trình điều trị, nhằm giúp bệnh nhân hiểu thêm về bệnh và bản thân mình, điều chỉnh hành vi và cảm xúc, qua đó quản lý bệnh và giảm những ảnh hưởng do bệnh mang lại.
Người bị bệnh rối loạn lưỡng cực cần có chế độ sinh hoạt hợp lý: ngủ đủ giấc và cố định theo giờ, tham gia các hoạt động xã hội, tránh xa các chất kích thích như cà phê, bia , rượu. Tập thể dục và thiết lập chế độ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất.
Khi điều trị tích cực, các triệu chứng rối loạn lưỡng cực sẽ giảm và cảm xúc của người bệnh được kiểm soát tốt hơn. Việc điều trị có thể kéo dài suốt đời nhưng là cần thiết để người bệnh có cuộc sống bình thường, hòa nhập. Do vậy, khi có các dấu hiệu bệnh, nên sớm đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ.
Leave a reply